Chi tiêu của người Hồi giáo cho thực phẩm Halal đạt khoảng 1,27 nghìn tỷ USD năm 2021 và dự báo đạt 1,67 nghìn tỷ USD năm 2025, đạt tốc độ tăng trưởng 7,1%. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 và xung đột Nga – Ukraine khiến các nước có nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực lớn hơn, trong đó thực phẩm Halal ngày càng được chú trọng.
Thực phẩm Halal không chỉ được tiêu thụ bởi cộng đồng Hồi giáo mà ngày càng được người tiêu dùng quốc tế quan tâm. Chi tiêu của người Hồi giáo cho các sản phẩm thực phẩm Halal cao nhất tại Indonesia (hơn 200 tỷ USD), Ai Cập (120,1 tỷ USD) và Bangladesh (125,1 tỷ USD), trong khi các quốc gia nhập khẩu thực phẩm Halal lớn nhất là Ả Rập Saudi (20,01 USD), Indonesia (17,54 tỷ USD) và Malaysia (16,21 tỷ USD). Bốn quốc gia xuất khẩu lớn nhất thực phẩm Halal là Brazil (16,45 tỷ USD), Ấn Độ (17,45 tỷ USD), Mỹ ($13,22 tỷ USD) và Nga ($12,74 tỷ USD), chiếm khoảng 29% nguồn cung thực phẩm Halal toàn cầu.
Một trong những động lực lớn nhất thúc đẩy ngành thực phẩm Halal đổi mới phát triển là nhu cầu truy xuất nguồn gốc và dịch vụ hậu cần. Tại Malaysia, hệ sinh thái Malakat đã giúp phát triển mạng chuỗi khối Halal đầu tiên trên thế giới, cho phép người dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt bò nhập khẩu. Công ty OneAgrix của Singapore hợp tác với INEXTO của Thụy Sĩ có kế hoạch công bố giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm toàn cầu áp dụng công nghệ đám mây. Tại Nhật Bản, công ty hậu cần Nippon Express Co, vừa công bố dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không nội địa được chứng nhận Halal.
Các công ty cũng đang tìm cách mở rộng hoạt động sang thị trường B2B trong lĩnh vực thương mại điện tử. Nền tảng thương mại điện tử Halal Street UK đã ký Biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Hồi giáo Liên minh Malaysia (AIS) để kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Malaysia với thị trường Halal của Anh. Huawei của Trung Quốc ký Biên bản ghi nhớ với công ty Alladin Group (Malaysia) để thiết lập mạng dịch vụ công nghệ cho nền tảng thương mại xã hội Halal toàn cầu áp dụng công nghệ đám mây.
Một số xu hướng đáng chú ý trong ngành thực phẩm Halal
Những năm gần đây, nhiều nước đã nỗ lực cải thiện thủ tục liên quan đến các tiêu chuẩn và chứng nhận Halal. Viện Khí tượng và Tiêu chuẩn OIC cho các quốc gia Hồi giáo (SMIIC) mới công bố Bộ tiêu chuẩn đối với hệ thống quản lý chuỗi cung ứng Halal, bao gồm vận chuyển, kho bãi và bán lẻ. Indonesia đã sửa đổi luật nhằm đơn giản hóa và làm rõ các quy trình, hướng tới giảm thời gian xử lý và tạo điều kiện cấp chứng nhận Halal cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Chính phủ Indonesia cũng có những động thái nhằm cải thiện hệ sinh thái thực phẩm Halal thông qua công nghệ kỹ thuật số, như thiết lập hệ thống thông tin Halal lưu trữ tất cả các quy trình và chương trình Halal tích hợp với các thị trường, ứng dụng và ví tiền điện tử. Nền tảng này sẽ cho phép mã hóa và số hóa các chứng chỉ để cải thiện việc theo dõi thông tin của các sản phẩm Halal.
Một xu hướng khác là sản xuất thực phẩm Halal có tính bền vững. Tại Trung Đông, tập đoàn Nestle vận hành nhà máy năng lượng mặt trời cung ứng tới 85% sản lượng điện cho các hoạt động sản xuất. Tập đoàn Agthia tại UAE đã mở một trung tâm công nghệ đóng gói mới ở Al Ain, trung tâm này sẽ sản xuất bao bì đáp ứng tiêu chí bền vững và chống chịu thời tiết sáng tạo. Nhiều công ty cũng đang đầu tư vào sản xuất các sản phẩm thuần chay và thực vật. Tại UAE, công ty bán lẻ Spinneys đã khởi động sáng kiến “Sức mạnh của Thực vật” để quảng bá thực phẩm thuần chay và thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhằm thực hiệu mục tiêu tăng 600% doanh số bán sản phẩm này. Công ty Al-Islami tại UAE đã tung ra sản phẩm bánh mì kẹp thịt ‘thịt bò’ làm từ thực vật không chứa chất bảo quản.
Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất thực phẩm Halal cũng được chú trọng hơn. Một xu hướng công nghệ mới là Nhà bếp đám mây (Cloud Kitchens), nơi thức ăn được chuẩn bị tại các nhà bếp được liên kết với các nhà hàng ảo. Thực phẩm được lấy và giao cho khách hàng thông qua nền tảng giao hàng trực tuyến. Tại UAE, nền tảng nhà bếp đám mây Kitopi đã huy động được 415 triệu USD từ các nhà đầu tư và sẽ mở rộng hoạt động sang khu vực Jeddah của Saudi Arabia. Công ty Hotpod của Pakistan cũng phát triển Nhà bếp đám mây, bắt đầu tại Karachi.
Hướng đi công nghiệp thực phẩm Halal trong thời gian tới
Với dân số Hồi giáo trên thế giới dự kiến sẽ đạt 2,2 tỷ người vào năm 2030, nhu cầu đối với các sản phẩm thực phẩm Halal sẽ tiếp tục tăng cao. Trong bối cảnh tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng tăng và các nước tìm cách bảo đảm năng lực sản xuất và cung ứng lương thực, các bên có nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực trồng trọt, nông nghiệp và chế biến thứ cấp, khi các Chính phủ đầu tư mạnh vào sữa, gia cầm và lương thực. Ví dụ, Ả-rập Xê-út đã đạt mức tự túc 60% trong sản xuất gia cầm, đặt mục tiêu đạt mục tiêu 80% vào năm 2025, và có kế hoạch mở rộng sản xuất sang lĩnh vực gia cầm, rau và cá.
Các công ty cũng sẽ ngày càng chú trọng hơn đến sự tiện lợi, như chuẩn bị bữa ăn sẵn và giao đồ ăn nhanh. Tại Singapore, Tập đoàn Kimly đã công bố mua lại 75% cổ phần của dịch vụ thực phẩm Halal Tenderfresh với giá 40,7 triệu USD. Chuỗi thức ăn nhanh Chuck của Mỹ. E Cheese có kế hoạch mở 50 cửa hàng ở Trung Đông, cùng với 25 cửa hàng mới ở Saudi Arabia. Chuỗi cửa hàng Halal Guys của Hoa Kỳ có kế hoạch tăng gấp đôi cơ sở tại khu vực Trung Tây, chuỗi cửa hàng tiện lợi CU của Hàn Quốc tung ra hai gói bữa ăn liền được làm bằng nguyên liệu được chứng nhận Halal.
Ngoài ra, các bên còn nhiều tiềm năng hợp tác kinh doanh nông nghiệp thông qua các ứng dụng số. Việc giới thiệu các nền tảng có thể kết nối nông dân chăn nuôi và trồng rau với các nhà sản xuất, bán buôn và bán lẻ địa phương tại các nước khác nhau có thể hỗ trợ các nước phát triển các khu vực nông nghiệp và nông thôn, đồng thời củng cố chuỗi cung ứng và giảm lãng phí thực phẩm.
Những thách thức đặt ra
Thách thức chính mà ngành công nghiệp Halal phải đối mặt là phát triển công nghệ để bắt kịp với nhu cầu ngày càng tăng của thị trường và thích ứng với các gián đoạn tiềm ẩn do biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia Hồi giáo và các nước có nhu cầu phát triển công nghiệp thực phẩm Halal chưa có hệ sinh thái đầu tư cần thiết để hỗ trợ các công ty công nghệ khởi nghiệp. Trong khi các nước có trình độ phát triển cao hơn như UAE và Malaysia có thể cạnh tranh với Anh, Pháp và Đức ở một mức độ nhất định về đổi mới công nghệ, đa số các nước Hồi giáo và đang phát triển sẽ phải đầu tư hơn nữa để phát triển các cơ chế hỗ trợ các công ty công nghệ thực phẩm tăng sức cạnh tranh.
Ngành công nghiệp thực phẩm Halal cũng đối mặt thách thức biến đổi khí hậu, có khả năng làm gián đoạn đáng kể sản xuất lương thực và cản trở chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế. Theo đó, ngành công nghiệp thực phẩm Halal tại một số nước đang hướng tới tăng cường khả năng sản xuất để hỗ trợ an ninh lương thực toàn cầu cũng như đảm bảo ứng phó với thách thức từ biến đổi khí hậu. Một trong những giải pháp bao gồm đầu tư nhiều hơn vào công nghệ nông nghiệp cũng như các giải pháp công nghệ sinh học và canh tác thông minh. Hai nước UAE và Israel vừa ký một thỏa thuận tăng cường xây dựng năng lực trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp, thực phẩm có nguồn gốc thực vật và tế bào. Tại Nigeria, xuất khẩu đậu đũa kháng côn trùng có thể mang lại 638 triệu USD cho nước này trong 6 năm.
(ĐSQ VN tại Brunei Darussalam)